18 thg 6, 2008

Chăm sóc răng miệng đúng cách

Nhiều người thường nghĩ rằng vệ sinh răng miệng chỉ là chải răng thường xuyên. Điều này đúng nhưng chưa chưa đủ. Bên cạnh việc đánh răng hàng ngày, chúng ta cần chú ý lựa chọn bàn chải, kem đánh răng thích hợp và cả chế độ ăn uống nữa. Ngoài ra, mọi người cần biết những vấn đề thường xảy ra với răng miệng để có hướng khắc phục kịp thời.

Đánh răng thường xuyên

1. Bàn chải đánh răng lí tưởng
Trên thị trường hiện có vô số kiểu dáng và mẫu mã bàn chải đánh răng khác nhau. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên sử dụng một chiếc bàn chải kiểu dáng đơn giản hoặc thon nhỏ. Một bàn chải với đầu đánh dài khoảng 2,5cm là lí tưởng cho người trưởng thành. Lông bàn chải bằng nilon cứng tốt hơn sợi tự nhiên bởi vì chúng hợp vệ sinh hơn và bảo quản tốt hơn. Bàn chải cỡ trung bình là tốt nhất bởi chúng rất ít gây tổn thương đến nướu lợi.
Bạn thường xuyên thay bàn chải như thế nào?
Nhìn chung, lông bàn chải sẽ bị tòe trong vòng 4 đến 6 tuần, Đây chính là lúc bàn chải cần phải thay.
Bạn có thường xuyên đánh răng không?
Lí tưởng nhất là chải răng ngay sau mỗi bữa ăn. Và chải răng trước khi đi ngủ cũng quan trọng nhất bởi vì trong suốt giấc ngủ, lượng nước bọt tiết ra ít và 1 số thức ăn còn lưu lại ở miệng là nguyên nhân gây hại cho răng.
2. Kem đánh răng
Kem đánh răng là chất bổ sung giúp đánh răng sạch hơn và làm sáng bóng bề mặt răng. Thành phần chính của kem đánh răng là chất làm trầy nhẹ, xà phòng, chất làm sạch, chất tạo màu và hương liệu. Bên cạnh đó, kem đánh răng còn có các loại muối amoni, chất diệp lục, flour và đinh hương được sử dụng với các lượng khác nhau. Gia trị của kem đánh răng chứa flour là ngăn cản bệnh mục xương mà hiện nay đã được xác đinh rõ ràng. Nếu trên thị trường không còn các loại kem đánh răng nữa thì muối và sodium bicarbonat của nước soda là rất rẻ và có thể thay thế kem đánh răng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc lấy nước cốt chanh cọ xát lên răng là rất tệ bởi nó có thể làm hỏng răng.

3. Chỉ nha khoa
Bàn chải đánh răng không thể làm sạch hết được các kẽ răng. Và chỉ nha khoa là phương thức tốt nhất để làm sạch khu vực khó tiếp cận này. Chỉ nha khoa có bôi sáp và không bôi đều được. Quấn chỉ quanh hai ngón tay rồi nhẹ nhàng kéo lên kéo xuống giữa các răng, cẩn thận để tránh làm tổn thương lợi. Tốt nhất là bạn nên nhờ nha sĩ hướng dẫn kỹ thuật dùng chỉ nha khoa.
4. Bác sĩ nha khoa và vệ sinh răng miệng
Để có 1 hàm răng chắc khoẻ bạn nên thường xuyên đến gặp nha sĩ. Vai trò của bác sĩ nha khoa là bảo đảm cho răng miệng khỏi tình trạng bị sâu và ứ đọng. Công việc bao gồm đánh bóng, lấy cao răng, hàn những chỗ bị vỡ trên răng và tiến hành những kỹ thuật chính xác nếu cần thiết. Việc này đảm bảo trong miệng sẽ không còn chỗ hổng nào để thức ăn “trú ngụ” và gây ra những vấn đề về răng miệng. Hơn nữa, bác sĩ nha khoa còn hướng dẫn bạn nhứng cách vệ sinh miệng. 6 tháng/1 lần là khoảng thời gian thích hợp để gặp nha sĩ.
Chế độ ăn uống và răng
1. Flour
Việc cung cấp đủ Canxi, Photpho, Flour và các Vitamin A,C và D là rất cần thiết. Hầu hết chúng có trong một chế độ ăn cân bằng thông thường. Chỉ có Flour là hay bị thiếu và cần được bổ sung. Răng được cung cấp đầy đủ Flour sẽ ít bị sâu hay mục.

2. Carbonhydrate
Chất này có quan hệ mật thiết giữa bệnh sau răng và sự hấp thụ các loại Carbonhydrate nguyên chất như Flour, đờng và những loại Carbonhydrate khác được dùng để tẩy trắng, tạo vị ngọt và làm ít xơ. Carbonhydrate nguyên chất rất dễ bám vào răng trong thời gian dài. Chúng dễ bị các vi khuẩn trong miệng làm biến đổi thành axit và các axit này là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sâu răng. Cách tốt nhất là bạn nên trung thành với các loại thực phẩm chứa chất béo tự nhiên, thịt, ngũ cốc, cá, trứng, rau, hoa quả và bơ. Việc dùng Sacarin để thay thế đường mía cũng không làm sâu răng.

3. Các loại thực phẩm khác
Việc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm có chứa axit khác như thói quen uống nhiều các loại đồ uống có ga hay nước hoa quả cũng có liên quan tới sự ăn mòn răng. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên rằng nên tráng miệng sau bữa ăn bằng những loại thực phẩm có xơ như cà rốt và các loại salad khác để cọ xát nhẹ trên răng và đánh bật các mảng bám.
Những vấn đề răng miệng thường gặp
1. Sâu răng
Sâu răng là một bệnh ở phần cứng của răng làm răng bị phân huỷ. Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sâu răng là giảm thiểu thói quen ăn ngọt. Việc đánh răng thường xuyên không chỉ giúp loại bỏ nguy cơ sâu răng mà còn ngăn không cho các mảng bám dày hơn trên răng.
2. Bựa răng
Những mảng vi khuẩn dưới dạng bựa răng hình thành rất nhanh trên bề mặt răng. Mảng bám vi khuẩn chỉ là một trong những tác nhân gây sâu răng. Các vùng quanh răng như hố răng hay kẽ răng - chỗ bàn chải không tiếp cận được là những nơi bựa răng có thể ung dung tồn tại nếu bạn không chải răng thường xuyên.
Các chất Flour phát huy tác dụng khá tốt trong việc ngăn ngừa răng bị sâu. Vì thế, những ai sống ở khu vực có mức độ Flour trong nước tối ưu sẽ ít bị sâu răng hơn. Ứng dụng ưu điểm ấy, 80-90% các loại kem đánh răng hiện nay trên thị trường đều có chứa Flour.
3. Viêm nướu, lợi
Viêm nướu lợi hay viêm nha chu là một trong những bệnh thường gặp nhất trên thế giới. Bệnh nhân đôi khi có thể không chú ý tới việc lợi bị chảy máu, đặc biệt khi đánh răng. Hơi thở có mùi phần lớn đều xuất phát từ căn bệnh này. Ở bệnh này, việc vệ sinh răng miệng và làm sạch các kẽ răng là cách phòng ngừa hiệu quả nhất.
Thanh Mai
Theo 101 Lifestyle

Chăm sóc răng miệng thế nào là đúng?

Một hàm răng trắng đẹp phải hội đủ các yếu tố: hình dáng răng đều đặn, không dị dạng, kích thước răng tỷ lệ hài hòa với chiều dài cung hàm, màu sắc trắng bóng, hàm răng đều, đẹp một phần do yếu tố di truyền, nhưng hầu hết những người có răng lợi tốt là do vệ sinh răng miệng thường xuyên. Ngược lại đa số những người răng bị hỏng là do ăn quá nhiều đường, nhất là khi còn nhỏ.

Chăm sóc sức khỏe răng miệng cũng như việc điều trị bệnh răng miệng phải nhằm bảo đảm ba yêu cầu: chức năng, thẩm mỹ, dự phòng. Ba yêu cầu phải hài hòa và bổ sung cho nhau, nhưng yêu cầu chức năng là quan trọng nhất. Không nên vì muốn chỉnh hình vị trí một răng đẹp, trám thẩm mỹ một răng đẹp mà quên đi khớp cắn hai hàm, tình trạng mô nha chu... mà làm mất chức năng của răng.

Làm thế nào để có hàm răng khỏe đẹp?
Để có hàm răng khỏe đẹp, cần chải răng thường xuyên, đúng cách, đều đặn hằng ngày. Chải răng ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ; Hoặc tốt nhất là chải răng buổi sáng lúc thức dậy, sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Khi chải răng là làm sạch răng không để thức ăn bám vào răng tạo nên vôi răng. Ngoài bàn chải răng thông thường, nên sử dụng thêm các phương tiện hỗ trợ như bàn chải kẽ răng, tăm nước, các thuốc súc miệng tạo bọt để đẩy thức ăn ra ngoài và giảm sưng lợi. Dùng kem đánh răng có fluor giúp ngăn ngừa sâu răng rất hiệu quả. Dùng chỉ nha khoa để lấy các mảng bám thức ăn giữa các kẽ răng mà bàn chải không thể làm sạch được.
Bạn đã đánh răng đúng cách chưa?
Đánh răng, chải răng có thể làm mất đi những bựa thức ăn bám quanh răng và các loại vi khuẩn làm ổ gây sâu răng, làm cho hơi thở không có mùi.
Đánh răng đúng cách như sau: chải mỗi vị trí từ 5 lần trở lên; hay chải mỗi mặt răng là 30 giây (mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai và mặt bên). Cách chải mặt ngoài và mặt nhai: đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm răng, chải theo chiều từ chân răng đến mặt nhai với động tác tới lui nhẹ nhàng. Tránh chải răng theo chiều ngang vì nó sẽ làm mòn chân răng. Chải cẩn thận mỗi vùng 2-3 răng và tuần tự như thế cho sạch tất cả các răng. Đối với mặt trong: đặt lông bàn chải theo chiều thẳng đứng và dùng đầu bàn chải nhẹ nhàng chải từ trên xuống dưới. Làm sạch lưỡi bằng cách dùng bàn chải cạo, hoặc cạo lưỡi bằng que cạo lưỡi. Nên tránh đánh răng quá nhiều, quá nhanh, quá mạnh làm chảy máu lợi và nướu răng. Khi dùng bàn chải tự động phải sạch kỹ từng răng, vòng theo độ cong của nướu răng và hình dáng của răng để lấy hết các mảng bám trên răng, giữ đầu lông bàn chải ở từng răng trong vài giây để chải sạch rồi mới di chuyển qua răng kế tiếp. Mặc dù đã chải răng vẫn phải dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám ở cổ răng, kẽ răng, vì vẫn còn 40% diện tích răng bàn chải chưa làm sạch được.
Cách dùng chỉ nha khoa thế nào?

Dùng một đoạn dài khoảng 50cm và quấn 2 đầu sợi chỉ vào 2 ngón giữa, chừa lại 1 đoạn giữa khoảng 5cm; ngón trỏ và ngón cái giữ căng sợi chỉ, nhẹ nhàng đưa sợi chỉ vào kẽ răng sao cho đoạn chỉ len sát mặt bên của răng, không ấn quá sâu, không kéo sợi chỉ qua lại sẽ làm tổn thương nướu, kéo sợi chỉ quanh mỗi răng theo hình chữ C và nhẹ nhàng di chuyển lên xuống ở mặt bên mỗi răng. Thay sợi chỉ khác khi chuyển qua làm sạch răng kế tiếp.
Ăn uống thế nào để có hàm răng khỏe, đẹp?
Hạn chế ăn thức ăn ngọt như bánh kẹo, nước đường; nên ăn các loại rau, củ, trái cây tươi; không nên hút thuốc lá; khi không có điều kiện đánh răng sau khi ăn thì có thể thay thế bằng cách nhai kẹo cao su không đường, vì nhai kẹo cao su giúp miệng tiết nước bọt, hạn chế các mảng bám trên răng. Thực hiện việc khám răng định kỳ 6 tháng một lần, để được phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng.

Một số thức ăn có liên hệ với các vi khuẩn gây sâu răng. Mặc dù chế độ dinh dưỡng kém không trực tiếp gây bệnh răng miệng, nhưng bệnh răng miệng sẽ tiến triển nhanh hơn và nặng hơn ở những bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng thiếu thốn. Dinh dưỡng kém giảm sức đề kháng dễ bị sâu răng hơn. Vì vậy, việc ăn thức ăn đa dạng, chế độ ăn cân bằng không những cải thiện sức khỏe răng miệng mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh khác. Nên ăn những thức ăn: trái cây, rau quả, bánh mì, ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt, cá, các loại đậu... Tránh những chế độ ăn mất cân đối làm khiếm khuyết vitamin và muối khoáng. Tránh khô miệng bằng cách uống nhiều nước. Nước bọt sẽ bảo vệ cả mô mềm và mô cứng trong miệng. Khi ăn vặt nên hạn chế những thức ăn dính, ngọt, dẻo... vì chúng dễ gây sâu răng. Thay vào đó hãy chọn những thức ăn có lợi cho răng như: các hạt, rau tươi, sữa chua; những loại nước có gas có chứa nhiều đường sẽ làm mòn răng, đặc biệt là acid trong các loại nước quả sẽ vô hiệu hóa men răng, giúp vi khuẩn gây viêm, nhất là khi dùng đồ uống có quá nhiều đường và uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.

ThS. Bùi Ánh Nguyệt (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Nguyên nhân gây hôi miệng


Biết rõ nguyên nhân gốc rễ gây hôi miệng sẽ giúp điều trị chứng hôi miệng triệt để và hiệu quả nhất.

1. Hôi miệng do vi khuẩn trong miệng gây nên
Đây là nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến nhất do các vi khuẩn sống chủ yếu ở vùng miệng và lưỡi gây nên.
Thường xuyên đánh răng, dùng nước súc miệng diệt khuẩn và sử dụng đồ chuyên dụng để vệ sinh lưỡi sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn khó chịu rất hiệu quả.

2. Hôi miệng do hàm răng giả
Làm hàm răng giả mà không thường xuyên tháo ra đánh rửa thì thức ăn có thể bám vào các kẽ răng tăng cường sự phát triển của các vi khuẩn gây hôi miệng.
Vậy nên, việc tháo ra đánh rửa răng giả thường xuyên là việc rất cần thiết để giảm nguy cơ bị hôi miệng.

3. Hôi miệng do khô miệng
Khô miệng cũng có thể là nguyên nhân gây hôi miệng, do thiếu độ ẩm các mô vùng miệng, không được làm sạch và vi khuẩn tiếp tục phát triển nhanh.
Uống đủ nước giúp tăng cường độ ẩm cho các mô vùng miệng để giảm vi khuẩn. Đánh răng và súc miệng đều cũng giúp giảm hôi miệng đáng kể.
Muốn trị được bệnh hôi miệng trước tiênbạn phải biết được nguyên nhân của nó

4. Hôi miệng do thức ăn
Sử dụng các loại gia vị như hành, tỏi thường xuyên cũng có thể gây hôi miệng.
Giải pháp hiệu quả giảm hôi miệng sau khi ăn hành, tỏi là nên ăn rau mùi tây hoặc bạc hà để khử mùi hôi khó chịu này.
Cần đánh răng sau mỗi bữa ăn để giảm mùi khó chịu của thức ăn và hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hôi miệng.


5. Hôi miệng do hút thuốc lá
Hút thuốc lá không những gây hôi miệng mà còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu, lợi và phổi.
Tốt nhất nên bỏ hút thuốc để giảm hôi miệng và tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Theo Dân Trí

Đề phòng bệnh viêm lợi


Lợi có nhiệm vụ bảo vệ, che chở và giữ cho chân răng được chắc chắn.
Nguyên nhân gây viêm lợi là do vi khuẩn ở trong mảng bám hoặc cao răng tồn tại lâu trong miệng. Vi khuẩn mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra càng lớn.

Lợi của người bệnh bị sưng đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi chải răng, tổ chức chân răng lỏng, dễ chảy máu, kèm hôi miệng, người bệnh có cảm giác đau hoặc ngứa căng lợi răng.

Bệnh viêm lợi được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu: lợi có thể bị đỏ, sưng phồng lên và rất dễ chảy máu nhất là khi đánh răng. Trong gia đoạn này, lợi có thể bị sưng tấy nhưng răng vẫn bám chắc trong lỗ chân răng. Không có các tổn thương về xương hoặc mô nào khác. Bệnh viêm lợi giai đoạn đầu có thể chữa được nếu người mắc bệnh có các biện pháp khắc phục đúng cách, trong đó bao gồm việc đánh răng và xỉa răng hàng ngày bằng chỉ nha khoa.

Giai đoạn hai: Nếu lợi đã bị viêm mà không chữa trị và chăm sóc răng miệng đúng cách, lớp lợi bên trong và xương hàm bị đẩy lùi ra phía sau, tạo thành những lỗ hổng quanh răng. Những khoảng trống nhỏ giữa răng và lợi là nơi tích tụ các mảnh vụn thức ăn bị giắt vào và có thể gây nhiễm trùng. Khi bựa răng tích tụ ngày càng nhiều dưới vòm lợi, hệ thống miễn dịch của cơ thể lại càng phải gắng sức chiến đấu chống lại vi khuẩn. Và như thế các độc tố kháng vi khuẩn và các chất enzyme trong cơ thể được sản sinh ra sẽ dần phá hủy hàm và các mô liên kết (những mô này có tác dụng định vị, giữa cho răng chắc). Lợi bị viêm sưng đỏ, chảy máu gây đau nhức, sưng má, răng miệng có mùi hôi khó chịu. Nếu viêm lâu ngày, lợp sẽ bị tụt xuống làm cho chân răng lộ ra ngoài trông rất xấu. Bệnh càng trầm trọng, những lỗ hổng này càng sâu, lợi và xương hàm bị phá hủy cành nặng, răng không còn chỗ bám nữa, sẽ trở nên lỏng lẻo và cuối cùng rụng ra.

Điều trị: Cần phải loại bỏ nguyên nhân là mảng bám răng và cao răng, người bệnh phải đến phòng khám để bác sĩ lấy sạch cao răng. Sau khi đã hết cao răng, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám răng. Nếu bệnh nhân bị nặng, chảy máu lợi nhiều thì bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc kháng sinh.

Để phòng bệnh viêm lợi bạn nên chú ý mấy việc sau:

- Chăm sóc răng miệng tại nhà bằng cách ăn uống đủ chất và đánh răng buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy. Ngoài ra bạn cũng nên xỉa răng vì đánh răng chỉ chải sạch các bựa răng bám trên bề mặt những chiếc răng mà bàn chải với tới được, còn xỉa răng có thể lấy đi những bựa và cao răng nằm ở khe giữa các răng và sâu dưới lợi. Cả hai biện pháp này là cách tự bảo vệ răng tại nhà tốt nhất. Nên đánh răng xoay tròn ở các mặt phía ngoài của răng để tránh làm tổn thương lợi.

- Súc miệng và uống nước sau khi ăn, nhất là sau khi ăn đồ ngọt.

- Không dùng vật nhọn cứng chọc vào răng, gây ra khe hở chân răng, thức ăn thường hay giắt vào nơi đó gây viêm nhiễm.
- Hạn chế ăn uống nhiều chất cay nóng như bia rượu, ớt, gừng...

Bác sĩ Vũ Thị Hoa (Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Một số phương pháp đơn giản chữa bệnh răng miệng


Khi bị rộp miệng, bạn hãy cắt vài lát gừng, cho vào miệng nhai nhỏ, vết rộp sẽ nhanh hết. Việc nhai sống lá hoặc củ tỏi cũng đem lại tác dụng này.

Sau đây là một số cách chữa bệnh răng miệng dễ thực hiện khác:

1. Chống sâu răng
- Súc miệng bằng nước chè: Trong lá chè có chất làm chắc răng. Nước chè có chất kiềm, có thể trung hòa axit, chống sâu răng và một số loại vi khuẩn gây bệnh.
- Súc miệng bằng nước muối: Mỗi ngày dùng nước muối nhạt súc miệng 2-3 lần, có thể phòng chống bệnh chảy máu lợi.
- Ăn táo tây thường xuyên: Trong táo có chất cellulose (một loại hyđrat cácbon gồm các đơn vị đường glucose kết hợp), giúp làm sạch cầu răng lợi, phòng chống các bệnh về răng miệng. Tuy nhiên, khi ăn xong nên súc miệng vì trong táo có nhiều đường lên men, dễ làm hỏng răng.
2. Khử mùi hôi trong miệng
Sau khi ăn tối (nhất là dùng thức ăn có tỏi), miệng thường rất hôi. Để khử hết mùi, có thể dùng các cách sau:
- Nhai một ít lá chè tươi hoặc uống một cốc chè đặc, mùi hôi sẽ mất ngay.
- Uống một cốc sữa bò.
- Súc miệng nước muối để diệt các loại vi khuẩn làm hôi miệng.
3. Chữa sưng và đau họng
- Dùng giấm và nước lượng bằng nhau để súc miệng.
- Lấy muối rang khô, chín già, giã nhỏ, thổi vào trong họng rồi nhổ nước bọt ra.
- Ăn lê thường xuyên.
- Giằm nát quả mướp non, lấy nước súc miệng thường xuyên.
- Lấy xì dầu (1 thìa canh) súc miệng, khoảng 1 phút thì nhổ ra, làm liên tục 2-3 lần sẽ thấy tác dụng. Khi súc miệng, cố gắng ngửa đầu ra sau để xì dầu tiếp xúc với họng.
4. Tiêu đờm, chữa ho
- Vỏ cây dâu 10 g, cam thảo 5 g, lá tre 5 g. Tất cả rửa sạch, sắc lên để uống. Bài thuốc này giúp tiêu đờm vào buổi sáng sớm.
- Vỏ bí đao phơi sương, cho đường vào nấu thành canh để uống, có tác dụng chữa ho.
- Gừng một miếng thái nhỏ, trứng gà 1 quả. Cho gừng vào đánh với trứng, rán lên ăn nóng, ngày 2 lần. Thuốc có tác dụng chữa ho rất tốt.
5. Chữa khản giọng
- Nếu bị khản giọng do cảm hoặc viêm họng mạn tính, có thể dùng 100 g giấm ăn để luộc một quả trứng gà (trong khoảng 15 phút), sau đó ăn trứng, uống giấm, chỉ 1-2 lần là khỏi.
- Trước khi đọc diễn văn, có thể uống nước muối nhạt để tránh bị khản giọng.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam

Chớ lạm dụng nước súc miệng

Nước súc miệng phần lớn đều chứa hoạt chất tẩy, nếu sử dụng quá liều lượng hay sử dụng không đúng cách (ngậm quá lâu, sử dụng quá nhiều lần) sẽ gây ảnh hưởng đến màng da mỏng bên trong miệng.

Mốt thời thượng
Lần đầu tiên xuất hiện và được nhiều người biết đến bởi sự quảng cáo rầm rộ là "đại gia" L. (Thái Lan) "đẩy" sản phẩm vệ sinh răng miệng loại thứ yếu này thành mốt "thời thượng" trong giới trẻ với ba màu xanh ngọc, vàng óng ánh và xanh bạc hà.


Tiếp theo đó là hàng loạt các nhãn hiệu được sản xuất từ nhiều quốc gia "ồ ạt" tham gia thị trường VN như: O. (Anh), A S, L. (Mỹ), T. (Đức), F. (Nhật), A. (Hàn Quốc) v.v... với chai lọ có dung tích từ 250ml đến 950ml gồm đủ mùi vị cay, the và được giới thiệu chiết xuất từ hương liệu bạc hà, chanh, vani, hương hoa và cả loại không mùi.

Giá bán loại sản phẩm này cũng rất cao (chẳng hạn loại L. USA 950 ml tới 175.000 đồng/chai; L. giá từ 42.000- 95.000 đồng/chai, tùy theo dung tích, O. giá 32.000 đồng/chai loại 300ml; A S giá 132.000 đồng/chai750ml...).

Chị Lê Hoàng Minh Anh, chủ quầy tạp hóa B36 ở chợ An Đông (Q.5- TPHCM), tiết lộ: "Mặt hàng nước súc miệng hiện nay bán khá chạy. Hàng "bổ" đi các tỉnh có số lượng đáng kể". Nhiều khách hàng đã sử dụng cho biết, loại sản phẩm này nếu đã "lỡ" xài mà không dùng tiếp sẽ cảm thấy "khó chịu".


Sự thật
Theo các nhà chuyên môn thành phần chính trong nước súc miệng gồm các chất: Fluor, sorbitoc, ethlanol, block copolimer, sodium, hương liệu và phẩm màu...

Công dụng được ghi trên bao bì của hầu hết các nhãn hiệu là khử trùng miệng, chống viêm nướu, giảm vi khuẩn gây hôi miệng và các mảng bám trên răng, chống sâu răng và làm cho răng chắc khỏe, tạo hơi thở thơm tho...

Tuy nhiên, TS-BS Phạm Xuân Sáng, giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết các loại mùi trong nước súc miệng chủ yếu chỉ làm cho vị giác cảm thấy thích thú, thực ra chúng không có tác dụng làm trắng răng.

Phần lớn đều chứa hoạt chất tẩy, nếu sử dụng quá liều lượng hay sử dụng không đúng cách (ngậm quá lâu, sử dụng quá nhiều lần) sẽ gây ảnh hưởng đến màng da mỏng bên trong miệng.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm có nồng độ fluor "hơi nhiều", nếu dùng lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm fluor trên răng, có thể tạo ra các đốm đen hoặc vàng trên răng, thậm chí làm giảm sức đề kháng của răng.

Cũng theo TS-BS Phạm Xuân Sáng, nước súc miệng không thể làm trắng răng mà chỉ có tác dụng làm sạch các vết bẩn bám trên răng, vì vậy nếu là người bị chứng bệnh hôi miệng do bệnh lý gây nên, có dùng nước súc miệng sau khi ăn cũng chỉ là để "đối phó" tạm thời trong thời gian ngắn.

Nếu cố ý dùng nhiều sẽ gây khô miệng do trong sản phẩm có nồng độ cồn khá cao.

Cách tốt nhất là nên đi khám chuyên khoa răng-hàm-mặt để được bác sĩ hướng dẫn điều trị cụ thể.
Đặc biệt, loại sản phẩm này rất "kỵ" trẻ em. Nếu trẻ nhỏ lỡ nuốt phải trong lúc súc miệng có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc ảnh hưởng đến não bởi chất fluor có khá nhiều trong thành phần tạo phẩm...Nên lựa chọn các loại nước súc miệng dành riêng cho trẻ em.

Tác dụng chống sâu răng của trà


Theo các nhà khoa học, uống trà có thể ngăn ngừa sâu răng và mang lại hơi thở thơm tho. Nguyên nhân là vì các hoá chất trong trà có thể tiêu diệt vi khuẩn cũng như virus gây bệnh nhiễm trùng họng, mục răng và nhiều bệnh nha khoa khác.

Nghiên cứu này làm dấy lên tiềm năng bổ sung trà vào thuốc đánh răng và nước súc miệng để bảo vệ răng. Theo nhà vi trùng học Milton Schiffenbauer thuộc ĐH Pace, trà xanh có tác dụng chống virus tốt nhất. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng trà xanh và trà đen - thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Kết quả cho thấy trà xanh có caffeine chống vi khuẩn tốt nhất, tiếp theo là trà đen có caffeine. Trà không có caffeine ít hiệu quả hơn.Một nghiên cứu khác kiểm tra các hoá chất trong trà có tên là polyphenols. Thí nghiệm chỉ ra rằng chúng làm chậm lại sự sinh trưởng của vi khuẩn liên quan tới hơi thở có mùi hôi. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng còn quá sớm để rút ra kết luận chắc chắn trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng về lợi ích của trà đối với răng miệng. Tiến sĩ Ian Douglas thuộc ĐH Sheffield nói: ''Trà có thể là một vũ khí nữa chống lại bệnh răng miệng. Tuy nhiên, không nên ngừng làm sạch răng của bạn bằng kem đánh răng có bổ sung florua thông thường cho tới khi có nhiều thông tin hơn''.
Theo BBC

Trên 90% người Việt Nam bị bệnh răng miệng


Tuy nhiên, có đến 55% dân số không bao giờ đi khám răng. Riêng ở trẻ em 6-8 tuổi, hơn 85% bị bệnh sâu răng (trung bình là 5,4 chiếc) nhưng 94% trong số đó không được điều trị. Đó là kết quả cuộc điều tra mới đây do Bộ Y tế và Viện Nghiên cứu, Thống kê Sức khỏe răng miệng Australia phối hợp thực hiện.

Điều tra cũng cho thấy:
Trong số những người khám răng, có đến 44% đi khám do đau, chỉ gần 10% đến bác sĩ với mục đích kiểm tra. Nhóm tuổi 35-45 chăm đi khám răng nhất và cũng là nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
Các bệnh răng miệng thường gặp là sâu răng, mất răng, nha chu (bệnh quanh răng), viêm niêm mạc miệng... Riêng về sâu răng, tỷ lệ mắc bệnh tăng từ 75% ở độ tuổi 18-34 lên thành 90% ở độ tuổi từ 45 trở lên. Tây Nguyên là nơi có tỷ lệ sâu răng cao nhất (chiếm 98% số người ở độ tuổi 18-34). So với năm 1990, bệnh sâu răng ở lứa tuổi 35-44 đã gia tăng 15%.
Gần 97% dân số Việt Nam có bệnh quanh răng. Chưa tới 10% dân số có sức khỏe quanh răng ở mức chấp nhận được.
Theo tiến sĩ Trần Văn Trường, Chủ tịch hội Răng hàm mặt, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kể trên:
-Nồng độ fluor trung bình trong nước quá thấp (chỉ bằng một nửa tiêu chuẩn quốc tế).
-Người dân hầu như không có kiến thức về chăm sóc, bảo vệ răng miệng.
-Nhiều người có thói quen sử dụng các loại thực phẩm với hàm lượng đường cao.
Việt Nam hiện thiếu trầm trọng bác sĩ răng hàm mặt. Nếu như ở các nước phát triển, 1 bác sĩ răng hàm mặt phục vụ 1.000-2.000 dân thì ở nước ta, tỷ lệ này là 1/25.000. Ở nhiều huyện, người dân hầu như không được chăm sóc sức khỏe răng miệng vì không có nha sĩ. Ông Trường cho biết, các cơ sở tuyến huyện đang cần khẩn cấp 500 bác sĩ răng hàm mặt.

Theo Người Lao Động

Dùng bàn chải điện ít bị sâu răng


Bàn chải đánh răng chạy bằng điện với thiết kế đặc biệt có thể quét sạch bựa và mảng bám, do đó ngừa các bệnh răng miệng tốt hơn bàn chải thường. Các nhà khoa học Anh tuyên bố như vậy, sau khi phân tích 29 cuộc thử nghiệm nha khoa với sự tham gia của hơn 1.700 người.

Bàn chải điện rất được ưa chuộng trong những năm gần đây, song chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu về tác dụng của chúng. Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nha khoa Edinburgh và 3 đại học khác ở Anh mới đây đã trở thành những người đầu tiên công nhận hiệu quả của dụng cụ vệ sinh nha khoa này.

Họ nhận thấy những người sử dụng bàn chải điện trong vòng 1 tháng có lượng mảng bám giảm 11% so với những người dùng bàn chải thường. Đặc biệt là nguy cơ phát triển các bệnh răng miệng như viêm lợi, sâu răng... ở nhóm này giảm 6%, và sau 3 tháng giảm tới 17%.

Theo nhóm nghiên cứu, bàn chải điện hội tụ 2 yếu tố làm sạch răng quan trọng, đó là động tác chải xoay tròn và đầu bàn chải nhỏ. Đầu bàn chải chuyển động quanh mặt răng và dễ dàng đi vào cả những ngóc ngách mà bựa thức ăn và mảng bám ẩn trú.

Theo BBC

Chọn mua và sử dụng nước súc miệng

Hiện nay, bên cạnh các loại kem đánh răng thông thường, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm vệ sinh răng miệng dưới dạng nước, theo cách gọi thông thường là nước súc miệng. Hiện có khoảng gần 20 nhãn hiệu khác nhau.

Hiện nay, bên cạnh các loại kem đánh răng thông thường, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm vệ sinh răng miệng dưới dạng nước, theo cách gọi thông thường là nước súc miệng. Hiện có khoảng gần 20 nhãn hiệu khác nhau.

Khi mua và sử dụng, bạn cần nên lưu ý đến thành phần, hương liệu và liều lượng.

Thành phần nước súc miệng có nhiều chất như: fluor, sorbitoc, ethlanol, block-copolymer, sodium, hương liệu và phẩm màu… Riêng hương liệu có nhiều vị cho người tiêu dùng lựa chọn như: bạc hà, chanh hay mùi của nhiều loại hương hoa khác hoặc không mùi. Sản phẩm có nhiều dung tích, từ 250 ml đến 950 ml và giá cả cũng phong phú không kém, thấp nhất 12.000 đồng/chai, cao nhất đến trên dưới 130.000 đồng/chai (tùy theo dung tích và hãng sản xuất).

Trên bao bì sản phẩm có ghi đặc dụng như: khử trùng miệng, giảm hẳn vi khuẩn gây hôi miệng và các mảng bám trên răng, chống sâu răng, làm cho răng chắc khỏe, hơi thở thơm tho… Tuy nhiên, theo một số bác sĩ ở Viện Răng Hàm Mặt thì khi mua người tiêu dùng cần lưu ý, nhiều loại nước súc miệng có nồng độ cồn khá cao, sau khi súc gây khô miệng, lập tức làm cho vi khuẩn tấn công. Như vậy không có hiệu quả.

Trong các loại nước súc miệng có hoạt chất tẩy, nếu sử dụng quá liều lượng hoặc không đúng cách như ngậm quá lâu sẽ ảnh hưởng đến làn da mỏng trong miệng. Ở một số sản phẩm, nhà sản xuất đã cho nồng độ fluor quá cao, nhằm tẩy trắng răng nên rất dễ xảy ra tình trạng nhiễm fluor, làm cho răng có các đốm đen hoặc vàng và sức đề kháng sẽ giảm đi. Nếu răng đã có bệnh lý, nước súc miệng không thể làm trắng được, chỉ làm sạch các vết bẩn.

Theo Sài Gòn Giải Phóng