18 thg 6, 2008

Trên 90% người Việt Nam bị bệnh răng miệng


Tuy nhiên, có đến 55% dân số không bao giờ đi khám răng. Riêng ở trẻ em 6-8 tuổi, hơn 85% bị bệnh sâu răng (trung bình là 5,4 chiếc) nhưng 94% trong số đó không được điều trị. Đó là kết quả cuộc điều tra mới đây do Bộ Y tế và Viện Nghiên cứu, Thống kê Sức khỏe răng miệng Australia phối hợp thực hiện.

Điều tra cũng cho thấy:
Trong số những người khám răng, có đến 44% đi khám do đau, chỉ gần 10% đến bác sĩ với mục đích kiểm tra. Nhóm tuổi 35-45 chăm đi khám răng nhất và cũng là nhóm có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
Các bệnh răng miệng thường gặp là sâu răng, mất răng, nha chu (bệnh quanh răng), viêm niêm mạc miệng... Riêng về sâu răng, tỷ lệ mắc bệnh tăng từ 75% ở độ tuổi 18-34 lên thành 90% ở độ tuổi từ 45 trở lên. Tây Nguyên là nơi có tỷ lệ sâu răng cao nhất (chiếm 98% số người ở độ tuổi 18-34). So với năm 1990, bệnh sâu răng ở lứa tuổi 35-44 đã gia tăng 15%.
Gần 97% dân số Việt Nam có bệnh quanh răng. Chưa tới 10% dân số có sức khỏe quanh răng ở mức chấp nhận được.
Theo tiến sĩ Trần Văn Trường, Chủ tịch hội Răng hàm mặt, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kể trên:
-Nồng độ fluor trung bình trong nước quá thấp (chỉ bằng một nửa tiêu chuẩn quốc tế).
-Người dân hầu như không có kiến thức về chăm sóc, bảo vệ răng miệng.
-Nhiều người có thói quen sử dụng các loại thực phẩm với hàm lượng đường cao.
Việt Nam hiện thiếu trầm trọng bác sĩ răng hàm mặt. Nếu như ở các nước phát triển, 1 bác sĩ răng hàm mặt phục vụ 1.000-2.000 dân thì ở nước ta, tỷ lệ này là 1/25.000. Ở nhiều huyện, người dân hầu như không được chăm sóc sức khỏe răng miệng vì không có nha sĩ. Ông Trường cho biết, các cơ sở tuyến huyện đang cần khẩn cấp 500 bác sĩ răng hàm mặt.

Theo Người Lao Động