9 thg 7, 2008

Thu hồi hai loại kem đánh răng có chất độc

Kem đánh răng MrCool. Ảnh: Getprice.

Ngày 28/5, Cục Quản lý Dược gửi công văn đến các sở y tế yêu cầu kiểm tra và thu hồi ngay nếu phát hiện các loại kem đánh răng Mr Cool và Excel của Trung Quốc. Những sản phẩm này chứa chất độc Diethylene Glycol.
Cục Quản lý Dược cho biết, trong thời gian qua, một số nước Trung Mỹ đồng loạt điều tra thị trường và thu hồi hai loại kem đánh răng nhãn hiệu trên. Đây là sản phẩm của công ty hóa chất gia dụng thành phố Đan Dương và Công ty thương mại quốc tế tín dụng vàng của Trung Quốc. Sản phẩm được xác định chứa chất Diethylene Glycol hàm lượng cao (4,6%). Đây là một loại hóa chất công nghiệp cấm sử dụng trong mỹ phẩm, thực phẩm do gây hại cho sức khỏe. Tại Việt Nam, từ 1/4, kem đánh răng cũng được đưa vào diện mỹ phẩm phải đăng ký chất lượng tại Bộ Y tế trước khi lưu hành. Hai sản phẩm "Mr Cool" và "Excel" chưa có trong danh sách đăng ký, vì vậy nếu có mặt trên thị trường thì đó là hàng lậu.
Theo ông Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất (Viện Hóa công nghiệp), Diethylene Glycol là một chất lỏng nhớt không màu, không mùi, tan trong nước và cồn hay ête. Nó được sử dụng nhiều để làm lạnh dung dịch khi tổng hợp hữu cơ để tạo ra nitrocelulose, một số loại nhựa, thuốc nhuộm, dầu phanh, dầu thủy lực, chất ức chế ăn mòn trong các thiết bị nhiệt... Nó còn được sử dụng làm chất giữ ẩm cho thuốc lá, chế tạo mực in và một số loại keo.
Diethylene Glycol không thuộc dãy các chất gây ung thư, biến đổi gene hay một số bệnh mãn tính, nhưng lại gây nguy hiểm cấp tính khi tiếp xúc qua da, mắt, hệ hô hấp và hệ tiêu hóa. Khi đó, Diethylene Glycol có thể là nguyên nhân của các bệnh về thận, gan, hệ tuần hoàn và hệ thần kinh.
Năm 1937, tại Mỹ đã có 107 người chết khi sử dụng thuốc sulfanilamide chứa Diethylene Glycol. Sự kiện bi đát này đã thúc đẩy sự ra đời của Bộ luật Liên bang về thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm năm 1938. Những năm gần đây, nhiều cái chết do sử dụng thuốc có pha Diethylene Glycol đã được thông báo tại Nam Phi, Ấn Độ, Nigeria, Argentina, Haiti và Panama.
Tại Haiti, năm 1996 đã có 85 trẻ em chết do sử dụng một loại siro paracetamol được Phòng thí nghiệm Pharval sản xuất. Thuốc siro này chứa glycerine bị nhiễm Diethylene Glycol. Năm 1985, một số loại rượu vang của Australia bị phát hiện là có pha với Diethylene Glycol để tăng độ ngọt và tính hấp dẫn của rượu. Năm 1990 tại Bangladesh, 339 trẻ em được phát hiện là suy giảm chức năng thận sau khi sử dụng siro paracetamol (acetaminophen) bị nhiễm Diethylene Glycol.
Mới đây nhất, tháng 5/2007, các quan chức chính phủ Panama đã thông báo rằng trong glycerine để sản xuất thuốc đánh răng của Trung Quốc có Diethylene Glycol ở nồng độ cao.
Theo ông Bái, người tiêu dùng không thể phát hiện Diethylene Glycol bằng mắt thường.


(Theo Thanh Niên)